Quan niệm về cơ cấu của xã hội học Auguste_Comte

Theo Auguste Comte, xã hội học, còn gọi là vật lý học xã hội (Social Physics), hợp thành từ hai bộ phận chính là Tĩnh học xã hội (Social Statics) và Động học xã hội (Dynamics).

Tĩnh học xã hội

Tĩnh học xã hội là bộ phận xã hội học nghiên cứu về trật tự xã hội, cơ cấu xã hội, các thành phần và các mối liên hệ của chúng.

Lúc đầu, Comte nghiên cứu các cá nhân với tư cách là những thành phần hay đơn vị cấu thành của cơ cấu xã hội. Comte xem cá nhân với tư cách là một tập hợp, một hệ thống gồm:

  1. Các năng lực và nhu cầu đã có sẵn bên trong cá nhân;
  2. Các nhu cầu, năng lực được tiếp thu từ bên ngoài qua quá trình cá nhân tham gia vào xã hội.

Sau đó, quan niệm xã hội của Comte thay đổi, ông cho rằng cá nhân không phải là "đơn vị xã hội đích thực". Comte coi nghiên cứu về cá nhân là nghiên cứu thuộc về lĩnh vực sinh vật học, khác hẳn với nghiên cứu xã hội học chủ yếu phân tích các "đơn vị xã hội". Đơn vị xã hội cơ bản nhất, sơ đẳng nhất có mặt trong tất cả các đơn vị xã hội khác là "gia đình". Điều thực sự có ý nghĩa về lý luận xã hội học là quan niệm của Comte về cơ cấu xã hội. Cơ cấu xã hội bao giờ cũng được tạo nên từ các cơ cấu xã hội khác đơn giản hơn, gọi là tiểu cơ cấu xã hội. Do đó, hiểu cơ cấu xã hội có nghĩa là nắm bắt được các đặc điểm, các thuộc tính và các mối liên hệ của các tiểu cơ cấu xã hội.

Cơ cấu xã hội phát triển theo con đường tiến hóa từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Sự phát triển của xã hội biểu hiện ở mức độ phân hóa, đa dạng hóa và chuyên môn hóa chức năng, cũng như mức độ liên kết giữa các tiểu cơ cấu xã hội. Comte đặt vấn đề nghiên cứu xem làm thế nào duy trì được mối liên kết giữa các bộ phận (các tiểu cơ cấu xã hội) khi mức độ phân hóa chức năng ngày một tăng lên trong xã hội. Comte đưa ra cách giải quyết nhấn mạnh tới vai trò của nhà nước và yếu tố văn hóa, tinh thần xã hội.

  1. Vai trò của nhà nước: Comte cho rằng ngoài sự phụ thuộc lẫn nhau, sự tập trung quyền lực vào tay nhà nước cho phép điều hòa, phối hợp và liên kết các bộ phận của hệ thống xã hội đảm bảo chống lại sức ép của sự phân hóa và phân rã xã hội.
  2. Vai trò của văn hóa, tinh thần: Ngoài hành động "vật chất" của nhà nước, yếu tố trí tuệ và đạo đức, thiện trí và thiện cảm của các thành viên xã hội, đóng vai trò là nhân tố duy trì sự liên kết, trật tự xã hội.

Động học xã hội

Auguste Comte quan tâm đặc biệt đến bộ phận mà ông gọi là động học xã hội (social dynamics). Đó là lĩnh vực nghiên cứu các quy luật biến đổi xã hội trong các hệ thống xã hội theo thời gian. Comte đưa ra quy luật ba giai đoạn để giải thích sự phát triển của các hệ thống tư tưởng và hệ thống cơ cấu xã hội tương ứng. Lịch sử loài người phát triển qua ba giai đoạn:

  1. Thần học;
  2. Siêu hình;
  3. Thực chứng.

Theo quy luật ba giai đoạn, mỗi giai đoạn trước là điều kiện phát triển của mỗi giai đoạn sau. Ví dụ, nếu không có hệ thống dòng họ thì khó có thể phát triển các hệ thống tiếp theo như hệ thống chính trị, luật pháp, quân đội và hệ thống xã hội công nghiệp hiện đại. Lịch sử tiến hóa xã hội diễn ra theo con đường tích lũy, tiến hóa (các tư tưởng mới, các hệ thống cơ cấu mới được xây dựng, được bổ sung vào cái cũ); ví dụ, trong xã hội hiện đại, dòng họ không mất đi, cũng như các tư tưởng thần bí, siêu tự nhiên không hoàn toàn bị biến mất.

Việc biến đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác không "trôi chảy, nhẹ nhàng", mà thường trải qua thời kỳ bất ổn định, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới. Comte cho rằng, hệ thống văn hóa bao gồm đạo đức và tinh thần quy định sự phát triển của hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội.

Dựa vào quy luật ba giai đoạn, Comte cho rằng việc "xã hội học" ra đời ở giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa là một tất yếu lịch sử; và xã hội học là khoa học đứng trên tất cả các khoa học khác. Xã hội học ra đời ở giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa - giai đoạn thực chứng và đó là khoa học phức tạp nhất, phải dựa trên nền tảng khoa học khác. Vì ra đời muộn nên xã hội học ngay lập tức đã phải là một khoa học thực chứng và chiếm vị trí cao nhất trong hệ thống thứ bậc các khoa học.